Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,49 tỷ USD tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,42% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 15,63% so với cùng kỳ 2017.
Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 11 tháng ước đạt 6,398 tỷ USD. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản chính cả năm đạt 9,3 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2019 dự báo sẽ khả quan hơn, nhờ tác động từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến nhiều đơn hàng được dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019, như CPTPP, VPA/FLEGT… sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý với Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào 28 quốc gia châu Âu mà không cần qua nước trung gian.
Việc hưởng lợi nhất cho ngành gỗ Việt Nam là thuế hiện hành 7-10% sẽ về 0% sau 5 năm; ván dăm thuế hiện hành 7%, về 0% sau 5 năm, gỗ thanh thuế hiện hành 3-4%, về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và đồ gỗ dùng cho nhà bếp thuế hiện hành 2,7%, được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Bên cạnh thuế quan, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tốt đến sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, trong khi Hiệp định CPTPP hay EVFTA lại mang thuận lợi nhưng cũng kèm cả rủi ro, thách thức.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc là cơ hội lớn cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ vì hiện nay thuế suất của chúng ta vào Mỹ là 0%.
Năm 2019 là thời điểm của ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam, hội tụ các yếu tố cần thiết để tạo ra sự đột phá, trở thành ngành mũi nhọn và hướng tới sự hình thành trung tâm gỗ – nội thất của thế giới tại Việt Nam.